Bởi: Rajendra Uprety
Phát hành: 14-06-2014


 

Viết bởi Rajendra Uprety, in lại từ tạp chí Các Vấn Đề Nông Nghiệp, tháng 3 năm 2013

 

Đó là một buổi chiều năm 2002 khi tôi lần đầu tiên đọc về SRI. Là một cán bộ khuyến nông thuộc Phòng Phát triển Nông nghiệp cấp Huyện (DADO), tôi bắt đầu quảng bá SRI tại huyện Morang, Nepal trong những năm tiếp theo. Trong thời gian này, tôi đã quan sát hàng trăm cánh đồng SRI đẹp đẽ và dành một vài năm làm người hoạt động phổ biến SRI. Nhìn vào các kết quả, tôi học được rằng những nông dân khác nhau phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau và họ chỉnh sửa mọi kỹ thuật cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu đa dạng của mình.

 

Learning From Farmers

Thời gian thu hoạch: Kiến thức và khát vọng của nông dân là yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công. Ảnh: Rajendra Uprety.

 

Phương tiện truyền thông và nhà hoạt động ở địa phương giữ một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và phổ biến SRI ở Nepal. Năm 2004, SRI đã được giới thiệu tại Morang với mục tiêu cụ thể là tăng sản lượng. DADO dùng phương pháp Trường Nông Dân Trên Cánh Đồng để tập huấn cho hàng loạt nông dân về kỹ thuật SRI; các học viên bao gồm chủ sở hữu ruộng đất, nông dân nhận khoán và nông dân thuê đất, và nông dân với các kiểu nguồn nước khác nhau.

 

Trong các cuộc trao đổi gặp gỡ ngoài đồng ruộng, SRI có vẻ phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nông dân nghèo trong khu vực với sự khan hiếm về phân bón và việc họ sử dụng các giống lúa khác nhau.

 

Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với những người nông dân này một khoảng thời gian, các nhà nghiên cứu và cán bộ khuyến nông nhận thấy rằng hoàn cảnh nông nghiệp-sinh thái và kinh tế-xã hội của họ thường khác nhau, và các chiến lược SRI mới học được áp dụng khác nhau tùy theo hoàn cảnh.

 

Nhu cầu gạo ngày càng tăng ở Nepal do sự tăng lên của dân số và sức mua của một bộ phận dân cư, và nhờ vào các phương tiện vận chuyển tốt hơn. Gạo đã trở thành một ưu tiên của chính phủ. Tuy nhiên, cũng những thay đổi tình hình xã hội và kinh tế đó đã dẫn đến các cơ hội thu nhập mới cho người dân ở nông thôn, và kết quả là việc trồng lúa kém thu hút người dân.

 

Mặc dù phần lớn nông dân tiếp tục trồng lúa để đảm bảo nhu cầu lương thực của hộ gia đình, họ cũng tham gia vào các hoạt động khác tạo thu nhập trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Thế hệ nông dân mới quan tâm nhiều hơn đến các loại rau, hoa quả và hoa màu có giá trị cao.

 

Một nghiên cứu về đồng ruộng cụ thể ở Morang năm 2008 cho thấy SRI làm tăng sản lượng gạo, nhưng độ chấp nhận SRI rất hạn chế. Độ ổn định của việc tiếp cận nguồn nước, khoảng cách từ nhà đến cánh đồng, quyền sở hữu ruộng đất, và sự sẵn có của lao động và tập huấn là những yếu tố chính quyết định đến chiến lược của nông dân, và do đó ảnh hưởng đến sự phổ biến của SRI.

 

Có nguồn cung cấp nước không ổn định, canh tác ở vùng đất thấp trũng, hoặc trồng lúa trên những cánh đồng thuê hoặc ở xa, tất cả đều là những trở ngại khi áp dụng SRI. Hầu hết nông dân SRI dùng người trong gia đình làm nguồn lao động, trong khi hầu hết nông dân quy mô lớn, phụ thuộc vào lao động thuê, không quan tâm đến SRI do yêu cầu về lao động ràng buộc về thời gian.

 

Nhìn chung, yếu tố quyết định là về tầm quan trọng trong nhận thức của việc sản xuất lúa gạo trong phạm vi rộng các cơ hội tạo ra thu nhập từ nông nghiệp và phi nông nghiệp của nông dân. Nghiên cứu này cho thấy rằng việc tăng cường thâm canh lúa chỉ thu hút được một phần tương đối nhỏ những nông dân trồng lúa có sở hữu ruộng đất và ít phụ thuộc vào lao động được thuê.

 

Những biến thể trong quản lý đồng ruộng

 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng nông dân sử dụng các chiến lược quản lý đồng ruộng khác nhau để kết hợp SRI vào hệ thống canh tác của họ. Rất ít nông dân sử dụng tất cả sáu kỹ thuật SRI được giới thiệu trong các buổi tập huấn (cây con non, cây con đơn, khoảng cách rộng hơn, tưới ngập - khô xen kẽ, làm cỏ bằng máy móc và sử dụng phân ủ). Nhưng những phương pháp đã được cải biến này thậm chí còn thành công hơn cả hệ thống SRI "tiêu chuẩn", tạo ra sản lượng trung bình 5,7 tấn / ha.

 

Bằng cách duy trì trao đổi thường xuyên với nông dân, các nhà nghiên cứu và các cơ quan khuyến nông học được cái gì thực sự hiệu quả và cái gì không. Chúng tôi nhận thấy rằng những nông dân có ruộng năng suất cao nhất hay sử dụng cây giống ít hơn và non hơn, loại không nhạy sáng và trồng khoảng cách xa hơn. Loại đất và độ sẵn có của nguồn nước ảnh hưởng lớn đến phương thức mà nông dân lựa chọn.

 

Đa số nông dân chỉ sử dụng phương pháp SRI ở những khu vực cao hơn trên cánh đồng của họ. Nông dân sử dụng cây con non ở các khu vực có thể kiểm soát việc tưới tiêu và thoát nước một cách tốt hơn, cho thấy rằng việc cấy cây con non ở các vùng khan hiếm nước có rủi ro cao hơn. Độ sẵn có của nguồn nước cũng xác định thời gian chuẩn bị đất và cấy mạ. Khi mùa mưa đến muộn, hoặc khi không có nước, việc chuẩn bị cho đồng ruộng bị trì hoãn trong khi cây con vẫn tiếp tục phát triển trên những luống mạ.

 

Thứ hai, việc làm cỏ bằng máy móc có nhiều vấn đề. Mặc dù nông dân sử dụng ít cây con và với khoảng cách rộng hơn, nhưng các cây con này không được bố trí theo đường thẳng hoặc theo hình vuông cần thiết cho việc làm cỏ bằng máy móc. Việc làm cỏ, bằng tay hoặc bằng máy móc, đòi hỏi phải có lượng lao động đủ và lành nghề. Việc làm cỏ bằng máy móc tạo ra năng suất cao hơn, nhưng hầu hết nông dân phàn nàn về việc máy làm cỏ do địa phương sản xuất không có hiệu quả. Máy móc nặng không phù hợp với phần lớn là lao động nữ.

 

Thứ ba, nhiều nông dân đã không làm theo lời khuyên trong việc sử dụng phân ủ (riêng rẽ hoặc kết hợp với phân hóa học). Đôi khi không có (hoặc không có đủ) phân ủ, đặc biệt là khi phân chuồng thường được sử dụng làm nhiên liệu đốt. Các yếu tố khác hạn chế việc sử dụng phân ủ bao gồm khoảng cách đến cánh đồng, quyền sở hữu ruộng đất, và sản lượng mong đợi. Việc sử dụng xe bò trong khu vực đang giảm, hạn chế việc lựa chọn phương tiện vận chuyển của nông dân.

 

Hơn nữa, nông dân thích sử dụng phân ủ có sẵn cho các loại cây trồng có giá trị cao như rau và cây gia vị. Một phát hiện đáng chú ý là những nông dân sản xuất với năng suất kém trong khu vực nghiên cứu sử dụng phân hóa học nhiều hơn mức yêu cầu. Ngược lại, những nông dân tham gia các buổi tập huấn đã giảm mức sử dụng phân bón của mình.

 

Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng nông dân đã không tuân theo các khuyến cáo của các hệ thống nghiên cứu quốc gia. Chỉ có 22 phần trăm ruộng lúa ở Morang được trồng với các giống lúa đề xuất. Ở các vùng có điều kiện tưới tiêu tốt (và do đó ít bị tổn hại), các giống lúa đề xuất phát triển tốt hơn và được nông dân tiếp nhận. Nhưng chúng ít phổ biến ở các cánh đồng dễ bị tổn hại.

 

Ngoài ra, sản lượng rơm rạ thấp của các giống lúa lùn được đề xuất khiến giống lúa này thiếu hấp dẫn đối với những nông dân nuôi gia súc. Họ thích các giống lúa cao hơn, cung cấp rơm để có thể sử dụng làm thức ăn gia súc. Ngoài ra, trong khi các giống lúa Basmati dài ngày và cho năng suất thấp được trồng bởi một số nông dân do giá cao, giống lúa này không phổ biến với những nông dân quy mô nhỏ và hạn chế về đất đai, những người trồng lúa cho gia đình. Các giống lúa phổ biến nhất không được khuyến nghị bởi hệ thống nghiên cứu, nhưng đã được lựa chọn và lan truyền trong các mạng lưới nông dân.

 

Học từ người nông dân

 

Việc giới thiệu về SRI trong các buổi tập huấn của DADO đã giúp cho nông dân và các cán bộ khuyến nông học hỏi từ thực tế cánh đồng và từ nhau.

 

Các cán bộ khuyến nông thấy rằng những khuyến nghị của họ không được tuân theo, và bắt đầu quá trình xem lại kỹ thuật cùng với người nông dân. Việc này đã phá vỡ hệ thống truyền thống học một chiều từ người cung cấp đến người nhận.

 

Sau khi cùng nhau thử nghiệm và học hỏi, việc trao đổi lẫn nhau trở nên thông dụng hơn. Những việc trao đổi này giúp định hình lại những khuyến nghị chung của cán bộ khuyến nông. Khi DADO bắt đầu đưa ra các khuyến nghị dựa trên những gợi ý của nông dân, những người nông dân khác cũng trở nên thích thú hơn với việc thử nghiệm và phổ biến những phương pháp mới.

 

Learning From FarmersLearning From Farmers

 

Bằng cách làm việc cùng với người nông dân, chúng ta đều thấy cái gì có kết quả và cái gì không. Ảnh chụp bởi: Rajenda Uprety

 

Phương pháp SRI được nhận thấy là có hiệu quả - nhưng không hẳn là hấp dẫn cho mọi nông dân và trong mọi hoàn cảnh. Những người nông dân cố gắng chỉnh sửa nó theo hoàn cảnh môi trường nông nghiệp và kinh tế xã hội của mình, chọn các phương pháp phù hợp nhất với mình và cánh đồng cụ thể của họ.

 

Điều này đã dạy chúng tôi, một cơ quan khuyến nông, suy nghĩ lại về quá trình phố biến kĩ thuật cho nông dân qui mô vừa và nhỏ, và sau đó bắt đầu cung cấp cho họ một tập các lựa chọn. Những lựa chọn này được tính toán cho đủ đa dạng và linh hoạt để người nông dân lựa chọn dựa vào từng tình huống cụ thể của mình.

 

Nếu chính phủ và các tổ chức hỗ trợ khác muốn tăng những ích lợi mà người nông dân có thể thu được từ kĩ thuật SRI, họ cần phải đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng đến quyết định của người nông dân. Cải thiện hệ thống thủy lợi và độ ổn định của nó có thể đem lại lợi ích cho người nông dân có đồng ruộng ở khu vực đất thấp trũng, bùn lầy và những khu vực khô hạn.

 

Một lựa chọn khác là giúp người nông dân tiếp cận với máy làm cỏ phù hợp. Các chiến lược quản lý dinh dưỡng cũng có thể được cải thiện bằng cách xem xét nguồn cung cấp phân bón và cung cấp khóa đào tạo chuyên sâu về cách sử dụng phân chuồng.Chúng tôi luôn cố gắng nhớ rằng một khóa đào tạo cần được thiết kế dựa vào những nhu cầu của người địa phương. Và việc sản xuất lúa gạo cần phải trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn về kinh tế so với các nguồn thu nhập khác.

 

Kiến thức và kế sinh nhai của người nông dân chính là yếu tố then chốt trong thành công trên cánh đồng. Nghiên cứu này cho thấy nông dân là những người chọn giống tốt nhất: các phương pháp cùng nhau lựa chọn và phân phối là chiến lược tuyệt vời nhất để giới thiệu những giống lúa đầy hứa hẹn.Sự đa dạng về giống lúa và phương pháp canh tác là thiết yếu trong việc trồng lúa. Đặc biệt là ở những nước như Nepal, nơi phần lớn việc trồng lúa vẫn dựa vào mưa, thì điều quan trọng là hiểu và đánh giá được sự đa dạng về nông nghiệp sinh thái và kinh tế xã hội của hệ thống canh tác lúa gạo

 

Về tác giả: Rajendra Uprety là chuyên gia nông nghiệp cao cấp tại bộ nông nghiệp Nepan và hiện đang là học viên tiến sĩ ở trường đại học Wageningen. Xin chân thành cảm ơn giáo sư Thom Kuyper và giáo sư Harro Maat đến từ trường đại học Wageningen bởi những đánh giá, gợi ý và trợ giúp quý báu của họ.


Thẻ

SRI

Vùng

Asia